Friday, October 17, 2014

Bác sĩ Tiin: Làm thế nào để tóc không rụng nhiều?


Uốn, sấy, ép, nhuộm tóc, sử dụng mỹ phẩm (dầu gội đầu) cho tóc không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng... là những yếu tố “tàn phá” tóc mạnh nhất.

Bạn em năm nay 20 tuổi, cô ấy rụng tóc hơi nhiều. Bác sĩ tư vấn giúp em là nên xài dầu gội gì để bớt rụng tóc, giúp tóc chắc khỏe và nhanh mọc lại chỗ tóc bị rụng không ạ. Em xin cảm ơn!
kurus...@gmail.com
Bác sĩ Tiin trả lời:
Bạn gái bạn thật hạnh phúc khi có bạn quan tâm tới sức khỏe của cô ấy.
“Cái tóc” là “góc” con người, một yếu tố tác động tới “dung nhan” của các bạn gái. Tóc cũng biểu hiện sức khỏe của mỗi người. Có mái đẹp, “hợp khuôn mặt”, tóc bóng, khỏe là mơ ước của các bạn gái.
Bác sĩ Tiin Làm thế nào để tóc không rụng nhiều
Ảnh minh họa
Bình thường tóc có cấu trúc nhiều lớp phức tạp với lớp vỏ ở ngoài và lõi ở bên trong. Mầu sắc của tóc (đen, nâu, vàng, hung, bạch kim...), bản chất tóc (thẳng, xoăn tự nhiên), tính chất tóc (mềm, sợi tóc nhỏ, mảnh hay tóc cứng, sợi tóc to, thô, tóc dầu hay tóc khô...) phụ thuộc vào chủng tộc, dân tộc, di truyền. Tóc người trẻ thường “khỏe”, ít rụng, nhanh dài. Càng lớn tuổi, tóc sẽ bị bạc (chuyển sang màu trắng), tóc “yếu” hơn hay rụng, gẫy.
Tóc có “rụng” và có “mọc”, đây là quá trình tự nhiên, không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trung bình mỗi ngày có thể rụng 10-15 sợi tóc. Đấy là bình thường. Nếu thấy tóc rụng trên gối, trên giường hoặc vuốt tóc cũng thấy tóc rụng, có thể bạn đã bị rụng tóc.
Nguyên nhân gây rụng tóc có thể do bản thân sợi tóc, có thể do yếu tố bên ngoài tác động tới tóc gây rụng.
Về nguyên nhân bản thân sợi tóc, có thể do tóc bị yếu “chân” tóc, thân tóc bị gẫy, giòn. Có thể gặp trong bệnh lý tại da đầu (do nhiễm nấm, viêm nang lông). Nguyên nhân khác là do bệnh nội tiết (bệnh lý tuyến yên, tuyến giáp), dinh dưỡng (thiếu máu, suy dinh dưỡng), do thuốc (một số thuốc có tác dụng phụ gây rụng tóc), kéo tóc quá mức (kẹp, buộc tóc quá chặt).
Yếu tố tâm lý, căng thẳng thần kinh, stress, sinh hoạt không điều độ cũng là những nguyên nhân gây rụng tóc. Các bạn gái còn có “tội” khác là hay gội đầu quá khuya, không sấy tóc khô (nhất là chân tóc), để tóc ẩm đi ngủ là điều kiện thuận lợi cho nấm tóc. Uốn, sấy, ép, nhuộm tóc, sử dụng mỹ phẩm (dầu gội đầu) cho tóc không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng... là những yếu tố “tàn phá” tóc mạnh nhất.
Em và bạn gái hãy “kiểm điểm” xem mình “đối xử” với tóc thế nào nhé! Nếu nguyên nhân do bệnh lý của tóc phải đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị. Nếu là bệnh lý toàn thân việc thăm khám cũng khá phức tạp.
Nếu nguyên nhân do lối sống, chăm sóc phải điều chỉnh lại. Tạm thời dừng sử dụng tất cả các loại hóa chất, mỹ phẩm trên tóc. Tốt nhất là gội đầu bằng bồ kết, hương nhu, lá bưởi, lá sả (mua được ở hàng lá). Nếu tóc bị “rít” có thể dùng một nước cốt chanh tóc sẽ mềm và mượt lại. Nếu dùng dầu gội đầu không nên thay đổi quá nhiều loại dầu, dùng loại “hợp” với bản chất tóc của mình (tóc không bị khô, không bị gầu, ngứa). Có điều kiện nên “hấp” tóc bằng “mặt nạ” tự nhiên như dầu dừa, dầu o liu, sữa chua...
Cũng nhiều việc phải làm để có mái tóc óng ả, mượt mà bạn nhỉ!

0 comments:

Post a Comment